Ở chung cư có nên cúng Ông Công – Ông Táo?

Lễ cúng ông Công – ông Táo là một phong tục truyền thống lâu đời trong văn hoá của người dân Việt Nam. Cứ đến 23 tháng Chạp, mọi người đều nô nức chuẩn bị đồ lễ tiễn ông Công – ông Táo về chầu trời thể hiện lòng thành kính, cầu mong cho năm mới gia đình có nhiều sự may mắn. Tuy nhiên, với xu hướng sống hiện đại như chung cư, nhiều cư dân không khỏi thắc mắc liệu việc thờ cúng này có phù hợp hay không. Để giải đáp thắc mắc này, hãy cùng nhau tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

Ý nghĩa của việc cúng Ông Công – Ông Táo

Ông Táo hay còn được gọi là Táo Quân hay Thổ Công không chỉ là vị thần cai quản bếp núc mà được xem là vị thần bảo vệ và mang lại mọi chuyện tốt lành cho gia đình. Truyền thống thờ cúng này đã tồn tại qua nhiều thế hệ, trở thành một phần không thể thiếu trong văn hoá tín ngưỡng đối với mỗi người dân Việt Nam. Lễ cúng Ông Công Ông Táo diễn ra vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của con cháu đối với ba vị thần đã phù hộ, độ trì cho gia đình suốt một năm qua.

ong-cong-ong-tao-cuoi-ca-chep-chau-troi
Ông Táo cưỡi cá chép về Thiên đình báo cáo với Ngọc Hoàng.

Có nên cúng Ông Công – Ông Táo ở chung cư?

Đặc điểm không gian sống ở chung cư

Ở các đô thị lớn, lối sống ở chung cư ngày càng trở nên phổ biến. Không gian sống chủ yếu của căn chung cư thường được thiết kế nhỏ gọn, tối ưu hoá diện tích sử dụng, khác biệt hoàn toàn với nhà đất truyền thống. Tuy nhiên, chính sự hạn chế về diện tích này đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt trong việc sắp xếp bàn thờ mỗi khi muốn cúng ông Công – ông Táo. Thêm vào đó ở mỗi toà nhà chung cư đều phải tôn trọng lối sống tập thể và các nội quy, quy định riêng đảm bảo sự an toàn, nghiêm ngặt. Vì vậy việc cúng ông Công – ông Táo đòi hỏi sự tinh tế và khéo léo để sao cho phù hợp với lối sống hiện tại.

Những lý do vẫn nên cúng Ông Công – Ông Táo ở chung cư

Dù môi trường sống có thay đổi thì việc thờ cúng ông Công – ông Táo vẫn là một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Việt Nam. Lễ cúng tiễn đưa Ông Táo diễn ra hàng năm không chỉ là một nghi lễ truyền thống mà còn giúp gia chủ cầu mong những điều tốt đẹp và may mắn trong năm mới. Đây cũng là dịp các thành viên gia đình có cơ hội tạm gác công việc để quây quần cùng nhau chuẩn bị mâm cơm cúng thể hiện lòng thành kính, đặc biệt trong các dịp lễ quan trọng như ngày 23 tháng Chạp. Việc tránh được những điều xui rủi, cầu tài lộc, sức khỏe là những điều mà nhiều người mong muốn, bất kể họ sống ở nhà mặt đất hay chung cư.

thanh-vien-trong-gia-dinh-cung-nau-an
Cả gia đình cùng nhau nấu đồ thờ cúng

Những lưu ý khi thờ Ông Công – Ông Táo tại chung cư

Việc quy định nghiêm ngặt về phòng cháy – chữa cháy ở mỗi tòa chung cư nên cư dân cũng cần phải lưu ý những vấn đề khi cúng ông Công – ông Táo:

  • Chọn vị trí đặt bàn thờ tại nơi trang nghiêm, thoáng đãng, hợp phong thuỷ với gia chủ. Không nên đặt gần nhà vệ sinh, phòng ngủ hoặc nơi nhiều người qua lại đảm bảo sự thanh tịnh.
  • Hạn chế dùng những đồ cúng bằng giấy hay đồ dễ cháy nổ ở gần nhau. 
  • Chuyển nến cây sang nến cốc đặt trên một chiếc đĩa có nước. Thờ cúng xong phải thổi tắt nến ngay.
  • Mở cửa sổ, cửa chính thoáng khí đảm bảo sức khỏe hô hấp cho cả gia đình khi thắp hương.
  • Hoá vàng tại nơi chung cư quy định, không hóa vàng tại cầu thang hay ngoài hành lang dễ gây ra hoả hoạn và làm ảnh hưởng đến người dân xung quanh.
  • Đối với những gia đình không thuận tiện trong việc thả cá ngoài sông, có thể thay thế cá thật thành cá giấy. Vừa giúp tiết kiệm thời gian vẫn thể hiện được lòng thành kính.

Tham khảo:>> Tỉa chân nhang ngày nào đẹp Tết ẤT TỴ 2025

Hướng dẫn thực hiện nghi lễ thờ Ông Công – Ông Táo tại chung cư

Như vậy các cư dân sống ở chung cư vẫn sẽ thờ cúng ông Công – ông Táo không có gì khác biệt đối với nhà mặt đất. Người dân không cần chuẩn bị lễ quá lớn mà có thể chuẩn bị những lễ vật như sau:

  • Sớ sách.
  • Hương, đèn, nến.
  • Vàng mã: Bộ mũ áo ông Công 3 chiếc (2 mũ táo ông, 1 mũ táo bà), áo, hia hài Táo Quân và một số tiền vàng, thỏi.
  • Dùng cá chép giấy thay cho cá sống. Ở miền Trung người ta thay thế cá chép bằng ngựa giấy với yên cương đầy đủ. Còn ở miền Nam, họ chỉ dùng bộ “cò bay ngựa chạy” để làm phương tiện đưa ông Táo về trời.
  • Mâm cơm cúng:

Tuỳ theo gia cảnh của từng gia đình mà mâm cơm cúng có sự khác biệt nhưng điểm chung các món căn bản sẽ bao gồm:

  • Gà nguyên con, giò lụa, thịt luộc cả miếng.
  • Đồ nếp: bánh chưng hoặc xôi.
  • Chè kho.
  • Một bát canh.
  • Một đĩa rau xào.
  • Đĩa gạo, muối.
  • Hoa quả, cau, trầu tươi.
  • Rượu, nước.
  • Cách bước thực hiện nghi lễ cúng để thể hiện lòng thành kính như sau:
  • Vệ sinh bàn thờ.
  • Sắp xếp lễ vật ngay ngắn.
  • Tiến hành đọc văn khấn:
  • Hóa vàng, thả phóng sinh cá chép (nếu có)

Nam mô a di đà Phật! (3 lần)

Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương

Con kính lạy Ngài đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.

Tín chủ (chúng) con là: ……………

Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái.

Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.

Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm. Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành. Chúng con lễ bạn tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.

Nam mô a di đà Phật! (3 lần)

 
 
Mam-Co-Cung-Ong-Cong
Mâm cỗ cúng Ông Công – Ông Táo ngày 23 tháng Chạp

Là một người con đất Việt, dù ở bất cứ nơi đâu thì phong tục thờ cúng ông Công – ông Táo vẫn được mọi người trân trọng, giữ gìn và bảo tồn. Phong tục xa xưa này không chỉ thể hiện lòng thành kính đối với ông bà tổ tiên mà còn là sợi dây kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và cuộc sống hiện đại. Hy vọng rằng qua bài viết này, nhiều gia đình đang sống ở chung cư có thêm nhiều kiến thức hữu ích hơn.

Nguồn: buildingcare.biz

zalo-icon
facebook-icon
094.836.9191