Không chỉ số hoá, áp dụng những công nghệ hiện đại vào hoạt động quản lý vận hành, các doanh nghiệp cũng đang từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ…
Số liệu gần nhất cho thấy, TP Hà Nội đã có khoảng hơn 1.420 tòa nhà cao tầng hoàn thành, còn TP Hồ Chí Minh là hơn 1.450 toà nhà. Con số này đang tiếp tục tăng lên ở cả 2 thành phố và cả các tỉnh thành khác. Chính vì vậy, thị trường dịch vụ quản lý tòa nhà được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong 5 năm tới. Số hoá dịch vụ trong lĩnh vực này đang được đẩy mạnh.
Nếu như trước đây, khi một toà chung cư hay văn phòng xảy ra sự cố về vệ sinh, an ninh hay hỏng hóc thiết bị… người dân sẽ phải tìm gặp trực tiếp đơn vị quản lý vận hành toà nhà để phản ánh thì nay, mọi vấn đề đều được giải quyết nhanh chóng qua ứng dụng trên điện thoại.
“Cư dân gửi ý kiến vào đó và bộ phận trực của chúng tôi sẽ tiếp nhận. Hệ thống phần mềm sẽ xử lý ngay lập tức ý kiến của cư dân phản hồi. Còn trước đây, chưa có hệ thống số thì cư dân phải xuống tận quầy lễ tân để ý kiến, hoặc gọi điện nhưng gọi điện lúc được lúc không”, ông Nguyễn Văn Cường – Giám đốc Ban quản lý nhà chung cư cho hay.
Không chỉ số hoá, áp dụng những công nghệ hiện đại vào hoạt động quản lý vận hành, các doanh nghiệp cũng đang từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng các tiêu chuẩn xanh cho khách hàng.
Quản lý tòa nhà là một thị trường màu mỡ trên thế giới, được định giá 14,1 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến đạt 51,73 tỷ USD vào năm 2029. Tại Việt Nam, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng đã giúp lĩnh vực quản lý toà nhà ngày càng mở rộng.