Từ vụ cháy chung cư mini Khương Hạ: Chuyên gia khuyến nghị giải pháp đủ mạnh và bất ngờ

Từ vụ cháy chung cư mini Khương Hạ, một chuyên gia xin giấu tên có nhiều năm hợp tác trong lĩnh vực PCCC khuyến nghị loạt giải pháp đủ mạnh và bất ngờ

Sau 7 ngày xảy ra vụ thảm họa cháy kinh hoàng, đến ngày 19/9 Viện khoa học hình sự Bộ Công an đã có bản kết luận giám định nguyên nhân vụ cháy tại số nhà 37 ngõ 29/70, phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân.

Nguyên nhân gây cháy được xác định do chập mạch điện trên đường dây dẫn điện tại khu vực bình ắc quy thuộc phần đầu xe mô tô sử dụng động cơ xăng (loại xe tay ga) đặt giáp tường phía Nam tầng 1 gây ra hỏa hoạn.

Còn nguyên nhân sâu xa hơn mà theo kết quả điều tra ban đầu của Công an thành phố Hà Nội xác định có những dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng về trật tự xây dựng và quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra nếu các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm minh các quy định của pháp luật liệu hỏa hoạn có thể xảy ra? Hoặc xảy ra liệu mức độ thiệt hại về người và tài sản có nặng nề và nghiêm trọng như vậy?

Khi chúng ta không có kỷ cương và sự nghiêm minh thì đừng nói đến văn minh và lành mạnh

Một công trình đồ sộ 9 tầng, trong khi giấy phép xây dựng 6 tầng, chẳng lẽ cơ quan quản lý chức năng tại địa phương không biết? Chúng ta có một hệ thống chính quyền từ cấp xã/ phường/ thị trấn đến Trung ương. Chúng ta có một hệ thống các tổ chức chính trị-xã hội tại cơ sở như: Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Tổ dân phố, Chi bộ Đảng tại tổ dân phố, Mặt trận tổ quốc… đây được xem là những “cánh tay nối dài” của cơ quan quản lý nhà nước? Chưa kể đến vai trò kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý chức năng tại địa phương trong quá trình thi công, xây dựng?

Về phía người dân, có thể còn thiếu sự nhận thức và hiểu biết về pháp luật phòng cháy chữa cháy, về những nguy cơ tiềm ẩn khi sống trong những công trình xây dựng không đảm bảo các điều kiện về an toàn xây dựng/ an toàn phòng chống cháy nổ, hoặc đôi khi “cái khó bó cái khôn” vì đa phần những người thuê, mua những căn phòng trong tòa nhà chung cư mini là những người dân khó khăn về kinh tế. Hay cả khi nhiều người có nhận thức về phòng cháy chữa cháy cùng các nguy cơ mất an toàn của tòa nhà, họ cũng không có biện pháp quyết liệt với chủ đầu tư hoặc với cơ quan quản lý tại địa phương…

Sự buông lỏng về quản lý, sự ‘thỏa hiệp’ với các vi phạm/sai trái, sự nhiếu nhận thức về các nguy cơ mất an toàn, thiếu kỹ năng và phương tiện thoát hiểm đã “cộng hưởng” và trở thành thảm họa. Cái giá phải trả quá đắt và quá đau đớn.

Công tác tuyên truyền và giáo dục cũng là vấn đề đáng phải bàn

Với công chúng, nên để ngỏ câu hỏi về nghịch lý là tại sao 1 kg thịt bò ở Mỹ và châu Âu có giá ngang bằng ở Việt Nam mà vẫn được đông đảo người dân lựa chọn?

Giá xăng ở Việt Nam cao hơn Mỹ, dân vẫn tiêu xài ầm ầm. Xe hơi đắt gấp 3 lần “trời Tây”, dân vẫn mua.

Vậy tại sao bình chữa cháy chất lượng cao ở “trời Tây” lại không được thị trường chấp nhận? Lý do ở đâu? Khâu quản lý? Ý thức người dân? Trình độ dân trí? Hay do cái gì?

Đó là sự kỷ cương, là sự nghiêm minh của luật pháp. Khi chúng ta không làm được điều này thì đừng nói đến “văn minh và lành mạnh”

Vậy nguyên nhân do đâu?

Có chuyên gia cho rằng lý do rất nhiều nhưng có 6 lý do chính được chỉ ra:

Thứ nhất, còn hiện tượng mua hàng kém chất lượng nhưng vẫn đạt “chuẩn” để đưa vào các công trình, tạo cơ chế “ngon, bổ, rẻ” để khi có hỏa hoạn xảy ra có khi thiết bị sử dụng không dập tắt được đám cháy dẫn đến thảm họa.

Thứ hai, trong nhiều vụ cháy chưa chỉ ra khiếm khuyết của hệ thống, đưa ra cách sửa chữa thấu đáo

Thứ ba, các sản phẩm PVCC chưa bảo đảm chất lượng cần phải bị xử lý nghiêm.

Thứ tư, trang bị chữa cháy phải bám sát thực tiễn với mục tiêu bảo vệ. Các thiết bị đưa vào phải cân nhắc đặc thù công trình để lựa chọn giải pháp phù hợp. Những quy định có lúc còn rất chung chung để khi thực hiện thiếu thực chất. Thiếu vắng thực sự đội ngũ chuyên gia thẩm định bám thực tiễn. Cái này là dấu hỏi lớn.

Thứ năm, trang thiết bị cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp cần tập trung vào khu vực nguy cơ rủi ro cháy cao. Cụ thể lực lượng chủ yếu trang bị bọt để chữa cháy các đám cháy B là xăng dầu và chất lỏng dễ cháy, trong khi 90% đám cháy là cháy A trong đó có các vật liệu cháy phức tạp như nhựa, cao su, chất dẻo… Chưa có các giải pháp hoặc chí ít là về hoá chất cho các dạng cháy nàyNói cách khác, trang bị phải bám sát thực tiễn.

phong-chay-chua-chay
Phương án chữa cháy hiện vẫn phụ thuộc vào nước. Ảnh: Thu Hường

Thứ sáu, phương án chữa cháy phụ thuộc vào nước. Trong không gian hẹp của đô thị, hiệu quả sử dụng nước chỉ đạt 5 đến 10%. Như vậy việc chữa cháy chỉ là vác xe bơm nước làm lụt và gây ô nhiễm môi trường chứ không đảm bảo chữa cháy. Có nên dùng giải pháp hàng chục xe chở nước chen chúc vào ngõ nhỏ phố nhỏ để làm lụt cả khu mới là tối ưu? Nếu không phải thì giải pháp nào thay thế?

Cần phải có thay đổi từ cả xã hội về đầu tư thiết bị chữa cháy lẫn cải cách hệ thống chính sách liên quan đến lĩnh vực này hơn nữa.

Nhận diện nhiều nguy cơ cần SOS!

Nhiều người nhìn nhận nguyên nhân cháy do xe điện. Chúng ta phải nhìn một cách tổng thể. Xe điện chỉ là một trong nhiều nguyên nhân.

Trong mỗi xe điện đều chứa acqui và hệ thống điện. Những cái này cũng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro.

Ngoài ra, việc rập khuôn xây dựng hầm gửi xe dưới chung cư chính là tạo nền tảng cho các loại nguy cơ. Đáng tiếc là sự tồn tại này mặc nhiên được thừa nhận và chấp nhận.

Với các hộ gia đình cũng vậy. Các vật liệu có nguy cơ cao như xe máy, xe điện đều “được dùng làm vật chắn cửa trong nhà”. Ai cũng thấy nhưng vẫn chấp nhận đó là một thực trạng khách quan và chung sống với nó.

Cái “gốc” không được xử lý thì “cái ngọn” vẫn còn đó. Văn hoá cái tôi, kinh tế đường phố đã sản sinh ra quá nhiều rủi ro.

Những nguy cơ tiềm ẩn rủi ro không phải ai cũng nhận thức được, nếu nhận thức được thì lại nghĩ rằng có sao đâu! Đã ai thống kê xe cháy tự nhiên ngoài đường hay chưa?

Khi chưa nghiêm túc nhìn nhận thì việc đưa rủi ro vào các toà nhà sẽ là chuyện thường tình.

Khi hoả hoạn xảy ra rồi thì ai cũng chỉ nghĩ lo cho mình bằng thang thoát hiểm, mặt nạ, áo chống lửa… Những giải pháp này không thật sự hiệu quả thậm chí có thể gây nguy hiểm nếu như không được chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước. Thực chất những thứ đó làm bản thân yên tâm hơn hay chung tay xây dựng một môi trường ít nguy cơ hay hơn?

Một nguy cơ nữa mà cả cơ quan quản lý và người dân sống tại các tòa nhà chung cư liệu có nhìn ra? Đó là hệ thống ống kỹ thuật thu gom rác ở chung cư nó còn nguy hiểm và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ hơn là xe điện bởi trong hệ thống ống thu gom rác ở chung cư chứa đầy khí metan?

Câu hỏi đặt ra, đã ai phân tích điều tra tìm hiểu chưa? Một nghịch lý là ai cũng khó chịu với mùi hôi trong chung cư nhưng liệu có ai nhận ra đó là nguy cơ chết người bởi đó chính là khí dễ cháy?

Đã đến lúc cần nhìn thẳng vào sự thật, phải có cái nhìn tổng thể và giải pháp tổng thể mới giải quyết được gốc của vấn đề.

Đừng vì “tôn trọng cần câu cơm” của một số người mà đánh đổi mạng sống của nhiều người. Vẫn phải nhắc lại: Không có kỷ cương và sự nghiêm minh thì đừng nói gì đến văn minh và lành mạnh.

Không nên cho rằng có thang dây, mặt nạ phòng độc, bảo hộ PCCC thì chấp nhận thỏa hiệp chung sống với các rủi ro thường trực. Hãy chung tay để “làm sạch” các rủi ro trước khi có những vụ việc đáng tiếc có thể tiếp tục xảy ra.

Và cuối cùng: Chung cư cần có ít nhất 3 KHÔNG: Không mùi từ hộp rác kỹ thuật; Không chứa rác trong hầm (rác ở đây tính cả các loại xe rác ko đủ điều kiện lưu hành, các loại đồ gia dụng cũ…); Không sạc điện, tiếp nhiên liệu, sửa chữa xe dưới hầm xe. Đây là 3 nhóm nguy cơ lớn nhất trong các tòa nhà.

Để không còn các vụ cháy xảy ra, về dài hạn chúng ta phải giải quyết được các nguyên nhân và nguy cơ tiềm ẩn rủi ro trên. Và để giải quyết được nó cần có cái nhìn tổng thể, giải pháp tổng thể, và sự “thượng tôn pháp luật”.

094.836.9191