Tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn khác, không còn xa lạ với tình trạng cư dân bức xúc đòi chủ đầu tư các tòa nhà chung cư bàn giao quỹ bảo trì. Ở Hà Nội, những chung cư “có tiếng” về việc này phải kể đến Westa (quận Hà Đông), Star City (quận Cầu Giấy), Hòa Bình Green City (quận Hai Bà Trưng)…. Mới đây, nghị định 16/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 28/01/2022 “Quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng” trong đó mức phạt đối với chủ đầu tư vi phạm quy định về quản lý sử dụng…
Trong một phóng sự của VTV phát sóng năm 2019 đã đưa ra con số 44 vụ tranh chấp chung cư mà Sở Xây dựng TP.HCM thụ lý, có đến 34 vụ liên quan đến phí bảo trì chung cư, hơn 300 chủ đầu tư không bàn giao phí bảo trì chung cư 2% cho người dân. Bên cạnh đó có nhiều chủ đầu tư chậm bàn giao hoặc chỉ bàn giao một phần quỹ bảo trì cũng gây bức xúc cho người dân.
Năm 2019, theo kết quả kiểm tra công tác quản lý nhà nước về quản lý, sử dụng nhà chung cư tại TP Hà Nội do Bộ Xây dựng công bố thì thành phố có 254 tòa chung cư trong tổng số 492 tòa chung cư thương mại (chiếm 52%), 33 tòa trong tổng số 82 tòa chung cư tái định cư (chiếm 40%) chủ đầu tư chưa bàn giao quỹ bảo trì cho ban quản trị; 39 trường hợp có tranh chấp về kinh phí bảo trì.
Đầu năm 2022, Nghị định số 16/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 28/01/2022 đã đưa ra nhiều mức xử phạt nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm này, được hi vọng có thể khắc phục phần nào những sai phạm của chủ đầu tư.
Nhóm hành vi vi phạm có mức phạt nhẹ nhất, từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng bao gồm:
Kinh doanh vũ trường;
Không mở tài khoản hoặc mở tài khoản kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư không đúng quy định;
Không có hoặc chậm có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức hội nghị nhà chung cư khi đã tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu nhưng không đủ số người tham dự theo quy định;
Không có văn bản thông báo hoặc thông báo không đầy đủ thông tin cho Sở Xây dựng nơi có dự án biết về tên tài khoản, số tài khoản đã mở, tên tổ chức tín dụng nơi mở tài khoản và kỳ hạn gửi tiền kinh phí bảo trì;
Không lập kế hoạch bảo trì hằng năm hoặc lập kế hoạch bảo trì hằng năm không đúng quy định;
Ngoài ra, sau khi đã bàn giao đầy đủ kinh phí bảo trì cho Ban quản trị nhà chung cư nhưng không thông báo bằng văn bản cho Sở Xây dựng nơi có nhà chung cư biết để theo dõi cũng nằm trong nhóm phạt này.
Nhóm phạt thứ hai, phạt tiền từ 160 triệu đồng đến 200 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
Tính toán sai kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư so với quy định;
Không ghi trong hợp đồng thông tin về tài khoản kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư theo quy định trong hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở hoặc phần diện tích khác của nhà chung cư;
Không gửi hoặc chậm gửi kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư dưới hình thức có kỳ hạn tại tổ chức tín dụng đang hoạt động trên địa bàn nơi có nhà ở mua bán, thuê mua;
Không đóng tài khoản kinh phí bảo trì đã lập sau khi bàn giao đầy đủ kinh phí bảo trì cho Ban quản trị nhà chung cư;
Mức phạt này cũng được áp dụng với các nhóm hành vi sau:
Không công khai, minh bạch việc sử dụng kinh phí quản lý vận hành, kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định;
Không bàn giao, bàn giao chậm, bàn giao không đầy đủ hoặc bàn giao không đúng đối tượng nhận kinh phí bảo trì và lãi suất tiền gửi kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư theo quy định;
Lựa chọn đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư không đủ điều kiện, năng lực theo quy định;
Bán, cho thuê chỗ để xe ô tô trong nhà chung cư không đúng quy định.
Năm 2021, sau khi bị thanh tra, Công ty CP Tập đoàn Bắc Hà mới chịu đóng hơn 5 tỷ đồng tiền quỹ bảo trì đối với phần diện tích mà chủ đầu tư giữ lại sau 6 năm dự án đưa vào sử dụng.
Mức phạt thứ ba, phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 260 triệu đồng đối với chủ đầu tư có một trong các hành vi sau đây:
Không bố trí diện tích để làm nhà sinh hoạt cộng đồng theo theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định;
Quản lý, sử dụng kinh phí quản lý vận hành không đúng quy định;
Không tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu theo quy định;
Không lập biên bản quyết toán số liệu kinh phí bảo trì theo quy định.
Tham khảo:>>【CẨM NANG】vận hành dành cho Ban Quản lý tòa nhà từ A – Z
Mức phạt nặng nhất, phạt tiền từ 260 triệu đồng đến 300 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
Tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung hoặc tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần diện tích không phải để ở trong nhà chung cư có mục đích hỗn hợp;
Áp dụng cách tính diện tích căn hộ hoặc phần diện tích khác trong nhà chung cư thuộc sở hữu riêng sai quy định;
Không đóng hoặc đóng không đầy đủ kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư vào tài khoản đã lập theo quy định đối với diện tích căn hộ, phần diện tích khác mà chủ đầu tư giữ lại không bán hoặc chưa bán, chưa cho thuê mua tính đến thời điểm bàn giao đưa nhà chung cư vào sử dụng;
Ngoài ra hai hành vi: “Không bàn giao hoặc bàn giao không đầy đủ hoặc bàn giao không đúng thời hạn hồ sơ nhà chung cư cho ban quản trị nhà chung cư theo quy định” và “Sử dụng kinh phí bảo trì không đúng quy định” cũng nằm trong nhóm phạt này.
Tham khảo:>> Phần mềm quản lý tòa nhà
Một chế tài mạnh mẽ hi vọng đủ sức răn đe để hạn chế bớt những câu chuyện chủ đầu tư cố ý chậm bàn giao hay sử dụng sai mục đích quỹ bảo trì chung cư lên đến hàng chục tỷ đồng như trong thời gian qua.
Theo Trọng Nghĩa/Doanh nghiệp và Tiếp thị
doanhnghieptiepthi.vn