Trong điều kiện đất chật, người đông, việc xây dựng các nhà chung cư tại Hà Nội không chỉ giúp tiết kiệm quỹ đất, mà còn góp phần đáp ứng nhu cầu chỗ ở của đông đảo người dân. Tăng cường hiệu lực quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư đang được thành phố Hà Nội đẩy mạnh nhằm ngăn chặn tình trạng tranh chấp, khiếu kiện.
Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh xung quanh vấn đề này.
– Xin ông cho biết trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có bao nhiêu nhà chung cư; việc thành lập ban quản trị, bàn giao kinh phí bảo trì được thực hiện như thế nào?
– Tính đến hết năm 2021, toàn thành phố có 1.102 nhà chung cư đã đưa vào sử dụng, trong đó có 928 chung cư thương mại, nhà ở xã hội; 174 chung cư tái định cư. Trong số các chung cư thương mại, nhà ở xã hội, đã có 660 chung cư thành lập ban quản trị; 613/660 chung cư đã bàn giao hồ sơ cho ban quản trị; 425 chung cư đã được chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì chung cư cho ban quản trị (không tính 132 nhà chung cư xây dựng trước ngày 1-7-2015, thời điểm Luật Nhà ở có hiệu lực thi hành, không có kinh phí bảo trì); 512/660 chung cư đã được chủ đầu tư bàn giao diện tích sử dụng chung; 535/660 chung cư đã được bàn giao phòng sinh hoạt cộng đồng…
– Thời gian qua, đã xảy ra không ít các vụ tranh chấp, khiếu kiện tại các chung cư trên địa bàn thành phố. Đâu là nguyên nhân, thưa ông?
– Có 3 dạng tranh chấp chủ yếu hiện nay trong quản lý, sử dụng nhà chung cư.
Một là, tranh chấp, khiếu kiện giữa cư dân với chủ đầu tư, chủ yếu liên quan đến chỗ để xe, diện tích căn hộ, chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng căn hộ… Nguyên nhân chính là khi ký hợp đồng mua căn hộ, người dân không xem xét hết các nội dung ghi trong hợp đồng; chủ đầu tư và người dân chưa thực hiện đúng quyền và trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng nhà chung cư.
Hai là, tranh chấp, khiếu kiện giữa ban quản trị và chủ đầu tư, do chủ đầu tư chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu ban quản trị; chủ đầu tư chậm bàn giao hoặc bàn giao không đầy đủ hồ sơ nhà chung cư, kinh phí bảo trì, diện tích sở hữu chung – riêng cho ban quản trị.
Ba là, tranh chấp, khiếu kiện giữa cư dân với ban quản trị, do một số ban quản trị không minh bạch trong việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì, phí dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư.
– Nhằm hạn chế tranh chấp, khiếu kiện tại các chung cư, từ năm 2019, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TU (ngày 28-6-2019) về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố. Ông có thể thông tin về kết quả thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TU?
– Sau khi Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TU, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 241/KH-UBND ngày 15-11-2019 triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TU; giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện. Về phía Sở Xây dựng, hằng năm, Sở đều kiểm tra quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố. Với sự vào cuộc của các cấp, ngành, đến nay, cơ bản các vi phạm trong quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố đã giảm.
– Theo ông, đâu là giải pháp hữu hiệu nhằm tăng cường công tác quản lý, hạn chế việc xảy ra tranh chấp, khiếu nại tại các nhà chung cư?
– Hiện các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư đã khá đầy đủ. Vì vậy, vấn đề quan trọng nhất vẫn là các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các chủ đầu tư, ban quản trị nhà chung cư cần có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định tại Luật Nhà ở và các nghị định, thông tư liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư… Theo đó, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục tập huấn các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng nhà chung cư cho cán bộ làm công tác quản lý, các chủ đầu tư, ban quản trị nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng nhà chung cư.
Cùng với đó, các sở, ngành, địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các nhà chung cư trên địa bàn để xác định những vấn đề còn tồn tại liên quan đến hoạt động quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư, như việc tổ chức hội nghị nhà chung cư, thành lập ban quản trị, bàn giao hồ sơ nhà chung cư, bàn giao, tiếp nhận, quản lý quỹ bảo trì…; từ đó phát hiện vấn đề phát sinh, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các tranh chấp, hoặc hướng dẫn các bên liên quan liên hệ với cơ quan có thẩm quyền…, không để việc tranh chấp trở thành các vụ việc khiếu kiện phức tạp, kéo dài, gây mất trật tự công cộng. Đặc biệt, với các tổ chức, cá nhân vi phạm về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì cần chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định.
– Trân trọng cảm ơn ông!