Có bắt buộc phải thành lập ban quản trị nhà chung cư?

Ban quản trị nhà chung cư không còn là một khái niệm quá xa lạ khi mà hiện nay chung cư được xây dựng ngày một nhiều, nhất là ở các thành phố lớn đất chật, người đông như TP.HCM hay Hà Nội. Tuy nhiên vẫn còn nhiều người nhầm lẫn giữa ban quản trị chung cư và ban quản lý chung cư và liệu chung cư thì có phải có ban quản trị để đảm bảo quyền lợi cho người dân hay không?

Theo Thông tư 02/2016/TT-BXD thì ban quản lý chung cư được hiểu là đơn vị được chủ đầu tư lập ra hoặc thuê bên thứ ba để quản lý và vận hành chung cư (quản lý các vấn đề như bảo trì, phí quản lý…. giữa cư dân và chủ đầu tư). Khác với ban quản lý, ban quản trị được lập theo Luật Nhà ở.

chung-cu1-1
Tuỳ số chủ sở hữu, số căn hộ mà chung cư có phải thành lập ban quản trị hay không. 

Hiện nay, không có định nghĩa cụ thể về ban quản trị nhà chung cư, tuy nhiên có thể hiểu đây là tổ chức do các chủ sở hữu căn hộ chung cư bầu ra để đại diện cho họ. Theo Luật Nhà ở thì tuỳ từng trường hợp mà có bắt buộc phải thành lập ban quản trị nhà chung cư hay không.

Cụ thể, đối với nhà chung cư có một chủ sở hữu hoặc nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu nhưng có dưới 20 căn hộ thì việc thành lập ban quản trị hay không phụ thuộc vào ý chí của chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư thống nhất quyết định.

Đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu mà có từ 20 căn hộ trở lên thì bắt buộc phải thành lập ban quản trị nhà chung cư. Thành phần bao gồm đại diện các chủ sở hữu nhà chung cư, đại diện chủ đầu tư (nếu có); trường hợp người sử dụng nhà chung cư tham gia Hội nghị nhà chung cư thì thành phần Ban quản trị nhà chung cư có thể gồm cả người sử dụng.

Việc bầu ban quản trị nhà chung cư sẽ được thực hiện thông qua Hội nghị nhà chung cư theo nguyên tắc đa số bằng hình thức biểu quyết hoặc bỏ phiếu.

Xem chi tiết:>> Ban quản trị nhà chung cư thành lập khi  nào? Quy trình #2023

Điều kiện để tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu

Hội nghị của tòa nhà chung cư phải được tổ chức trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày nhà chung cư đó được bàn giao đưa vào sử dụng và có tối thiểu 50% số căn hộ đã được bàn giao cho người mua, thuê mua (không bao gồm số căn hộ mà chủ đầu tư giữ lại không bán hoặc chưa bán, chưa cho thuê mua); trường hợp quá thời hạn trên mà tòa nhà chung cư chưa có đủ 50% số căn hộ được bàn giao thì hội nghị nhà chung cư được tổ chức sau khi có đủ 50% số căn hộ được bàn giao.

Hội nghị của cụm nhà chung cư được tổ chức khi có tối thiểu 50% số căn hộ của mỗi tòa nhà trong cụm đã được bàn giao cho người mua, thuê mua (không bao gồm số căn hộ mà chủ đầu tư giữ lại không bán hoặc chưa bán, chưa cho thuê mua) và có tối thiểu 50% đại diện chủ sở hữu căn hộ của từng tòa nhà đã nhận bàn giao đưa vào sử dụng đồng ý nhập tòa nhà vào cụm nhà chung cư.

Ngoài ra, đối với hội nghị của tòa nhà chung cư thì phải có tối thiểu 50% đại diện chủ sở hữu căn hộ đã nhận bàn giao tham dự. Trường hợp không đủ thì trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày tổ chức họp hội nghị được ghi trong thông báo mời họp, chủ đầu tư hoặc đại diện chủ sở hữu căn hộ có văn bản đề nghị UBND cấp xã tổ chức hội nghị nhà chung cư. Đối với hội nghị của cụm nhà chung cư thì phải đảm bảo số lượng đã đồng ý nhập tòa nhà vào cụm nhà chung cư; trường hợp không đủ số người tham dự thì trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày tổ chức họp hội nghị được ghi trong thông báo mời họp, chủ đầu tư hoặc đại diện chủ sở hữu căn hộ có văn bản đề nghị UBND cấp xã tổ chức hội nghị nhà chung cư, trừ trường hợp tòa nhà trong cụm tổ chức họp hội nghị nhà chung cư riêng.

Trong đó, tòa nhà chung cư là một khối nhà (block) độc lập hoặc nhiều khối nhà có chung kết cấu xây dựng hoặc chung hệ thống kỹ thuật công trình được xây dựng theo quy hoạch và hồ sơ dự án do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Còn cụm nhà chung cư là tập hợp từ 02 tòa nhà chung cư trở lên được xây dựng theo quy hoạch và hồ sơ dự án do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

094.836.9191