Nhiều chủ đầu tư chung cư tự ý tăng phí trông giữ ô tô với lý do quá trình vận hành lỗ hoặc chi phí đầu vào tăng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc tăng phí phải theo đúng quy trình.
Nội dung chính
Chủ đầu tư tự ý tăng phí trông giữ xe
Hơn 1 tháng qua, tại dự án Goldmark City (số 136 Hồ Tùng Mậu, quận Bắc Từ Liêm) xe ô tô phải dừng đỗ trước đường dẫn vào hầm tòa chung cư, đường chạy qua khu chung cư này, gây ùn tắc giao thông.
Nguyên nhân là công ty quản lý hầm xe thuộc Công ty CPTM Quảng cáo – Xây dựng – Địa ốc Việt Hân (chủ đầu tư dự án này) tự ý tăng phí dịch vụ gửi ô tô từ 1.080.000 đồng/xe/tháng lên 1.450.000 đồng/tháng với xe đầu tiên và 1.750.000 đồng đối với xe thứ 2.
Hơn 500 cư dân đã phản đối, Công ty quản lý hầm xe đã cắt lốt xe của rất nhiều cư dân bất chấp chỉ đạo của chính quyền quận Bắc Từ Liêm rằng phải giữ nguyên hiện trạng, trước khi tăng giá phải có sự trao đổi, thống nhất với ban quản trị chung cư. Đại diện chủ đầu tư cho rằng, thời gian qua, chi phí như điện, lương cơ bản… đều tăng. Vì vậy, sau 5 năm không tăng phí, công ty phải điều chỉnh tăng giá để đảm bảo chi trả cho việc vận hành.
Tham khảo:>> Phí dịch vụ quản lý vận hành chung cư QUY Định từ A – Z!
Trước đó, đầu tháng 11/2023, chủ đầu tư chung cư Artemis (số 3 Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân) cũng tự ý tăng phí gửi ô tô, xe máy khiến cư dân phản đối. Tương tự, vào tháng 4/2023, cư dân chung cư Goldseason (số 47 Nguyễn Tuân, Hà Nội) cũng căng băng rôn phản đối chủ đầu tư vì tự ý tăng phí gửi ô tô.
Anh Nguyễn Văn Ngọc, một cư dân ở tại chung cư ở số 90 Nguyễn Tuân (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) cho rằng, khi chủ đầu tư bán căn hộ đã gắn với các tiện ích kèm theo như bể bơi, trường học, tầng đế, tầng hầm. Hơn nữa, tầng hầm, tầng đế cũng đã được tính vào giá bán căn hộ. Trong Luật Nhà ở 2014 cũng đã quy định rõ, tầng hầm là sở hữu chung chứ không phải là sở hữu riêng của chủ đầu tư nên chủ đầu tư muốn tăng phí phải thông qua cư dân.
Ông Trần Đức Hậu, Trưởng ban Quản trị tòa nhà CT2 (khu đô thị Linh Đàm) cho biết, trước khi ký hợp đồng vận hành, các đơn vị vận hành đã được cung cấp các thông tin chi tiết của tòa nhà. Ví như diện tích sàn, số phương tiện ô tô, xe máy, xe điện, xe đạp và các hạng mục có thể thu được tiền. Từ đó, đơn vị vận hành sẽ lên phương án giá dịch vụ để đấu thầu. Trong giá dịch vụ đưa ra, đơn vị vận hành cũng đã tính phần lãi.
Không tuân thủ quy trình tăng giá, sẽ gây mất an ninh trật tự
Ông Nguyễn Trọng An, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và kinh doanh dịch vụ Hoàng Đạt (đơn vị cung cấp dịch vụ quản lý, vận hành nhiều tòa chung cư) cho biết, hiện nay các đơn vị quản lý, vận hành tòa nhà sẽ thuê lao động từ các đơn vị cung cấp dịch vụ.
Giá thuê công nhân vệ sinh, bảo vệ từ 18.000 đồng -25.000 đồng/giờ. Đối với mỗi dự án chung cư, căn cứ vào địa thế, chi phí đầu vào, đầu ra của hầm để tính các chốt bảo vệ.
Cũng theo ông An, việc quản lý, vận hành dịch vụ của doanh nghiệp chỉ khó khăn 1-2 tháng đầu nhưng cũng không lỗ. Nếu lỗ, chỉ 1-2 tháng đơn vị vận hành sẽ nghỉ ngay. Hơn nữa, càng về sau này, các căn hộ có người ở càng nhiều, số phương tiện cũng nhiều hơn nên nguồn thu sẽ cao hơn. Vì thế, tại một số tòa nhà, giá dịch vụ vận hành, trông giữ xe còn giảm.
“Việc vận hành các tòa nhà phải đảm bảo 3 yếu tố, đó là nhà nước thu được thuế, doanh nghiệp phải có lợi nhuận và đáp ứng lợi ích người lao động. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không quan tâm đến người dân, chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà liên tục tăng giá”, ông An nói.
Phó chủ tịch UBND một phường ở quận Thanh Xuân cũng cho biết, giá trông giữ phương tiện tại chung cư đã được quy định rõ, quy trình tăng giá dịch vụ cũng đã được hướng dẫn trong các văn bản pháp quy. Tuy nhiên, một số chủ đầu tư muốn thu nhiều lợi nhuận hơn nên tự ý tăng giá, dẫn đến cư dân phản đối. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh trật tự tại địa phương.
Khi xảy ra tranh chấp phần sở hữu chung tại các chung cư, có chủ đầu tư không thỏa thuận nhưng cũng có chủ đầu tư lựa chọn phương thức đối thoại. Ví như, tại chung cư số 282 Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân), khi chủ đầu tư chuẩn bị tăng phí gửi ô tô từ 1,1 triệu đồng/tháng lên 1,5 triệu đồng/tháng, cư dân đã phản đối. Ngay sau đó, chủ đầu tư đã họp cùng đại diện tòa nhà để tìm hướng tháo gỡ. Chủ đầu tư sau đó đã đổi đơn vị vận hành, dịch vụ tốt hơn mà giá trông giữ ô tô không tăng.
Luật sư Nguyễn Văn Hiếu (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, theo Điều 14, Thông tư số 05/VBHN-BXD ngày 7/9/2021 về Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư thì chủ đầu tư hoặc ban quản trị tòa nhà muốn thay thế đơn vị quản lý vận hành hoặc đề nghị điều chỉnh giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư thì phải tổ chức hội nghị nhà chung cư bất thường. Hội nghị này cũng phải đáp ứng được yêu cầu về số chủ căn hộ thì mới được xem là hợp pháp. Còn chủ đầu tư tự ý tăng phí gửi xe là không đúng quy định, luật sư Hiếu nói.
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, hiện nay giá trông giữ ô tô trên địa bàn Hà Nội được áp dụng theo phụ lục 2.2.1, Quyết định số 44/2017/QĐ-UBND ngày 15/12/2017 của UBND TP. Hà Nội. Do đó, phí trông giữ ô tô tại các chung cư cần căn cứ vào các địa bàn được quy định tại phụ lục.
Nguồn: https://tienphong.vn/tang-phi-gui-xe-tai-chung-cu-nhieu-noi-dot-chay-quy-trinh-post1599946.tpo