Yêu cầu hoàn trả phí bảo trì chung cư: Nhiệm vụ bất khả thi?

Phí bảo trì chung cư luôn là vấn đề gây nhức nhối dư luận từ trước đến nay, việc đi đòi quỹ bảo trì chung cư là nhiệm vụ bất khả thi tại các tòa nhà chung cư hiện nay.

Theo Luật Nhà ở 2014, ngoài tiền mua căn hộ chung cư trên hợp đồng mua bán, người mua sẽ phải trả thêm 2% tiền kinh phí bảo trì chung cư. Số tiền này chỉ được chủ đầu tư thu hộ, giữ hộ, và sẽ được hoàn trả cho Ban Quản trị, đại diện cho cư dân. Nhưng hiện nay, việc đi đòi tiền phí bảo trì chung cư là nhiệm vụ bất khả thi đối với nhiều chung cư. Dưới đây là một số nguyên nhân.

1. Chủ đầu tư mất liên lạc

chung-cu-143-ha-dinh

Chung cư 143/85 Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Tại chung cư 143/85 Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội, mặc dù đã vào ở từ năm 2014, nhưng tới nay, chủ đầu tư mới hoàn trả hơn 2 tỷ đồng phí bảo trì, còn nợ hơn 1 tỷ đồng. Ban Quản trị chung cư đã nhiều lần nhờ tới UBND phường và Quận tác động, liên lạc với chủ đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh NDP, để yêu cầu trao trả số tiền còn lại. Nhưng tới nay, ngay cả các cơ quan chức năng cũng không thể liên lạc được với chủ đầu tư.

Ngay cả số tiền hơn 2 tỷ đồng đã được chủ đầu tư bàn giao, Ban Quản trị cũng gặp khó khăn. Lý do là trong Ban Quản trị, có 1 Phó Ban Quản trị là người đại diện cho chủ đầu tư. Đại diện này không hợp tác, cụ thể là ký vào ủy nhiệm chi, khiến ngân hàng không thể giải ngân tiền phí bảo trì.

Bởi vậy, mới đây, khi thang máy hỏng hóc, chung cư phải họp bàn và vay mỗi hộ dân từ 2-3 triệu đồng, để góp tiền sửa chữa – ông Nguyễn Minh Châu, Phó Ban Quản trị Chung cư 143/85 Hạ Đình cho biết.

Tham khảo:>> Phí bảo trì chung cư quy định thế nào và do ai quản lý?

2. Quỹ bảo trì bị “treo” do chưa có Ban Quản trị

chung-cu-discovery-cau-giay

Chung cư Discovery quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Tại chung cư Discovery Quận Cầu Giấy, người dân đã vào ở từ 4 năm nay. Nhưng tới thời điểm này, chung cư mới chỉ có Ban Đại diện Cư dân Lâm thời, chứ chưa thành lập được Ban Quản trị.

Theo cư dân ở đây cho biết, chủ đầu tư tìm cách trốn tránh việc thành lập Ban Quản trị. Điều này đồng nghĩa với số tiền kinh phí bảo trì ước tính khoảng 50 tỷ đồng vẫn bị chủ đầu tư nắm giữ.

Vừa qua, đại diện cư dân đã có cuộc họp với UBND quận Cầu Giấy. Người dân mong mỏi chính quyền địa phương sẽ có các giải pháp mạnh tay để thúc đẩy việc thành lập Ban Quản trị, việc cấp giấy chứng nhận sở hữu căn hộ và buộc chủ đầu tư phải công khai về tình trạng quỹ bảo trì.

3. Chủ đầu tư “nợ” một phần kinh phí bảo trì

Sau khi Ban quản trị đại diện cho cư dân được thành lập từ 2 năm trước, người dân chung cư Athena Complex Xuân Phương đã phải rất chật vật đi đòi khoản tiền 2% kinh phí bảo trì đã nộp cho chủ đầu tư lúc mua nhà. Tổng số tiền khoảng 9 tỷ đồng.

Thế nhưng, chủ đầu tư lại hoàn trả số tiền một cách nhỏ giọt, lắt nhắt, khi thì 1 tỷ, khi thì 3 tỷ đồng, lúc thì lại vài trăm triệu. Đến nay, số tiền kinh phí bảo trì vẫn chưa được hoàn trả hết, chưa kể phần kinh doanh thương mại, hoặc phần sở hữu của chủ đầu tư.

Bà Đỗ Thị Hằng – Trưởng ban Quản trị Chung cư Athena Complex Xuân Phương cho biết: “Rõ ràng đây là tiền tươi thóc thật của cư dân. Rất là bức xúc, nhiều lần lên văn phòng chủ đầu tư, đóng đô ở đấy luôn thì chủ đầu tư mới trả lại. Gần 2 năm mới trả lại 1 phần. Bây giờ chúng tôi vẫn phải đi đòi tiếp”.

Tham khảo:>> Ban quản trị nhà chung cư được thành lập khi nào?

chung-cu-athena-xuan-phuong

Chung cư Athena Complex Xuân Phương.

Từ chối trả lời phỏng vấn, nhưng đại diện chủ đầu tư dự này cho biết, doanh nghiệp chưa trả dứt điểm số tiền, vì còn giữ lại để tính toán phần đã chi trả cho toà nhà trước đó. Và việc này từ năm 2019 tới nay vẫn chưa hoàn thành.

Theo số liệu từ Sở Xây dựng Hà Nội, có 103 tòa nhà, chiếm 1/5 số lượng chung cư tại Hà Nội vẫn đang có tranh chấp về phí bảo trì. Mới đây nhất, UBND thành phố đã có những chỉ đạo quyết liệt nhằm từng bước khắc phục tình trạng tranh chấp này.

Đáng chú ý, thành phố đã giao Công an thành phố chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức thanh tra, điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm đối với các chủ thể có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì. Đây là thông tin được rất nhiều người dân sinh sống tại các chung cư mong chờ.

Theo Sở Xây dựng, hiện đã có 1 chung cư là chung cư 143/85 Hạ Đình, quận Thanh Xuân được Sở đề xuất với Thành phố chuyển hồ sơ sang cơ quan công an điều tra xử lý. Sắp tới, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát, dự kiến có thể có từ 3-4 chung cư sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra.

Nguồn: vtv.vn

094.836.9191